- Tin Thị Trường
Bất động sản hạ sốt, người mua mong giá nhà đất hạ theo
Cập Nhật: 29/4/2021 | 10:24:20 AM
Sốt đất diễn ra trong các tháng đầu năm đã bắt đầu có dấu hiệu dừng lại, nhiều người mua nhà đang kỳ vọng diễn biến này sẽ giúp giá nhà đất ngưng "nhảy múa".
Trong cơn sốt đất, ông Nguyễn Văn Tân (Khánh Hội, quận 4) tham gia thị trường theo bạn bè rủ rê vì nghe nói một lần trúng đất kiếm lời tốt hơn kinh doanh cả năm. Tuy nhiên đến khi thực sự nhảy vào thị trường, ông mới nhận ra bản thân chẳng những không có cơ hội săn được sản phẩm ưng ý mà có khi phải “đổ vỏ” cho nhà đầu tư khác vì giao dịch và giá đất "ảo".
Ông Tân cho hay, thời điểm đầu năm ông đi theo một nhóm nhà đầu tư xuống Bình Phước để săn đất khu vực QL14 đoạn qua huyện Chơn Thành. Theo thông tin ông nghe ngóng được thì khu này đang có kế hoạch mở rộng đường cao tốc Đắk Nông - Bình Phước và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Tuy nhiên khi trực tiếp tham gia mới thấy dân đầu tư đã “cày nát” thị trường từ trước đó khá lâu, giờ giao dịch phần nhiều là mua sang tay từ người cũ với giá chênh 60-70%.
Sốt đất kéo theo giá BĐS tăng nóng, tăng ảo, làm giảm cơ hội mua nhà của những người lao động có thu nhập thấp. Ảnh minh họa
“Tôi có hỏi thăm vài lô đất trên khu vực này thì được báo giá 12-15 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Ngay cả mấy lô đất nằm ở khu vực vành đai cũng có giá từ 6-10 triệu đồng/m2 trong khi trước Tết, đất chỗ này chỉ 2-3 triệu đồng/m2. Mấy môi giới đất cho biết khi có thông tin đường cao tốc đi ngang qua địa bàn, đất tăng thêm tầm 2-2,5 triệu đồng/m2, rồi khi thông tin sốt đất lan nhanh, dân đầu tư nhảy vào nhiều, qua vài lần sang tay đã tăng thêm 5-6 triệu đồng/m2. Họ nói tôi cứ mua đi, vẫn sẽ sang tay được với giá chênh vì thị trường còn nóng, thấy tăng liên tục thì cũng ham nhưng lỡ không kịp ra hàng, ôm một lô đất có giá mua vào chênh mấy trăm triệu so với giá trị thật rồi khi hết sốt tôi biết bán cho ai”, ông Tân chia sẻ.
>>> Có thể bạn quan tâm: Giá đất nền tại Phú Quốc
Tự cảm thấy mình không có đủ máu liều nên kế hoạch săn đất của ông Tân kết thúc bằng việc quay trở lại điểm khởi đầu. Nhà đầu tư này cho hay vẫn thích đầu tư BĐS nên sẽ trở lại khi thị trường hết sốt ảo. Ông cũng kỳ vọng sau cơn sốt, giá đất sẽ giảm để những nhà đầu tư bình thường như ông có cơ hội mua được sản phẩm tốt mà không lo hớ.
Cũng sợ sốt đất, anh Trung, một người dân đang có nhu cầu mua nhà cho hay, anh chỉ mong sốt đất mau qua, thị trường trở lại như bình thường để anh còn dễ mua nhà. Những cơ sốt đất chỉ khiến người có nhu cầu mua nhà như anh gặp khó khăn hơn vì đi đâu cũng thấy giá đất, giá nhà tăng. Khu vực mà anh Trung tìm mua nhà là quận 12, TP.HCM, nơi đây tuy không diễn ra sốt đất theo hạ tầng hay lên quận nhưng vì ảnh hưởng tâm lý đám đông trong thời điểm thị trường nóng, nhà đất tại đây cũng tăng giá.
Trước Tết, kiếm mãi mới được 1 căn nhà riêng trong dự án khu dân cư gần chợ, anh Trung và vợ đã đi xem xong xuôi, cũng chốt với chủ nhà giá 3,4 tỷ đồng và chỉ đợi làm hợp đồng cọc xong sẽ công chứng thanh toán. Qua Tết vì dính dịch, việc làm hợp đồng phải dừng lại đến gần cuối tháng 2, nhưng khi liên hệ lại, chủ nhà tỏ ý không muốn bán, kỳ kèo qua đến tháng 3 đòi tăng lên 4 tỷ đồng. Anh Trung tìm hiểu mới biết do có căn nhà gần khu đó vừa bán ra với giá 4,2 tỷ đồng nên chủ nhà cũng muốn tăng theo.
Nhiều người mua nhà ở thực kỳ vọng khi thị trường hạ sốt thì giá bán BĐS sẽ ổn định và hạ nhiệt. Ảnh minh họa
“Sốt đất khiến số người nhảy vào thị trường nhiều hơn và sẵn sàng chi bạo vì tin vào khả năng sang tay với giá sốc, chỉ khổ người mua ở thực như vợ chồng tôi đánh mất cơ hội. Hiện nay hết sốt, tôi chỉ mong giá đất ngưng tăng nóng để việc kiếm nhà dễ thở hơn”, anh Trung tâm sự.
Mỗi khi sốt đất xảy ra là một lần giá nhà đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực, để lại nhiều hệ lụy cho người dân, doanh nghiệp cũng như địa phương nơi cơn sốt đi qua. Đến thời điểm hiện tại, khi các cơn sốt đất có hiện tượng "dứt" tại một số địa phương trên cả nước thì giá bán được dự đoán sẽ lao dốc. Dù chưa rõ ràng ở việc cắt lỗ, hay bán tháo BĐS sau đợt nóng sốt nhưng việc bán ra sản phẩm ở thời điểm này rất khó có giá như khi mua ở mức đỉnh. Những cơn sốt đất, không chỉ đẩy mặt bằng giá lên cao, làm gia tăng xu hướng đầu cơ, lướt sóng mà còn khiến rất nhiều người mua thực đánh mất cơ hội sở hữu nhà.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhìn nhận, kể từ năm 2017, những cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng gây ra nhiều hệ quả tiêu cực. Sốt đất khiến giá đất tăng với tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn. Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi. Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Điều này vô hình chung làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.
(Nguồn: BDS Phú Quốc)
- Tin tức khác