- Tin Thị Trường
Bất động sản nghỉ dưỡng: những cuộc tháo chạy (kì 1)
Cập Nhật: 24/9/2021 | 12:22:59 PM
Bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua. Nhưng trên thực tế, những thương tổn của thị trường này đã bắt nguồn từ trước đó và đại dịch chỉ làm trầm trọng thêm những khó khăn. Rất nhiều môi giới bất động sản kì cựu cũng đã phải tạm ngừng bán bất động sản nghỉ dưỡng giai đoạn này vì thực tế đầy thách thức.
Nhiều môi giới đã phải tạm ngừng bán bất động sản nghỉ dưỡng khi thị trường gặp khó khăn
Bất động sản nghỉ dưỡng từng có giai đoạn hoàng kim vào những năm 2014-2017 với sự bùng nổ của condotel và biệt thự nghỉ dưỡng tại các thị trường trọng điểm về du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Ninh, Phú Quốc. Khi đó, môi giới địa phương và môi giới từ các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM đều đổ về các thị trường trên để bán hàng. Khi condotel mới du nhập Việt Nam, loại hình này hot đến mức những môi giới giỏi bán chục căn/tháng không phải là chuyện lạ. Đó cũng là thời kì nhiều nhà đầu tư có thể lướt sóng thu lời ở một số dự án condotel gây sốt thị trường.
Thế nhưng sau giai đoạn hoàng kim, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lần lượt chứng kiến hai cuộc tháo chạy quy mô của môi giới bất động sản. Cuộc tháo chạy thứ nhất bắt đầu diễn ra rải rác vào năm 2018 và trong năm 2019. Khi đó, nhiều môi giới chuyên bán nghỉ dưỡng tại các thị trường truyền thống đã lặng lẽ rời bỏ, tìm cơ hội tại các phân khúc, thị trường khác. Nhiều sàn giao dịch từ Hà Nội, TP.HCM đổ về bán nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc bắt đầu rút dần quân, cắt giảm nhân sự. Nguyên nhân là condotel rơi vào thoái trào, bão hòa nguồn cung và kế đó là đổ vỡ cam kết lợi nhuận ở Cocobay Đà Nẵng khiến người mua mất niềm tin, quay lưng với sản phẩm. Lực cầu của thị trường giảm mạnh.
Số liệu quý 3/2018 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã minh chứng cho sự ảm đạm này. Tồn kho condotel cả nước khi đó lên tới hơn 20.000 căn, lượng giao dịch thành công chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm. Lượng tồn kho này là quá lớn bởi năm 2018 cũng là năm mà nguồn cung mới tại các thị trường trọng điểm đã sụt giảm mạnh so với những năm trước đó. Sang năm 2019, cũng theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tiếp mạch trầm lắng khi nguồn cung mới tương đối thấp, sản phẩm chủ yếu từ các dự án năm 2018 được tiếp tục chào bán. Tính hấp thụ chỉ đạt 25,02%.
Đến năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện với các đợt giãn cách xã hội, đường biên đóng cửa, các chuyến bay bị hoãn, khách du lịch quốc tế không thể đến Việt Nam khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào tình cảnh đóng băng, giao dịch ngưng trệ. Số lượng môi giới bất động sản nghỉ dưỡng vốn đã bị giảm sút từ đợt thoái trào trước thì đến biến cố này, tiếp tục sụt giảm mạnh.
Trao đổi với Bds Phú Quốc, Chị Đ.H. Dinh, giám đốc một sàn giao dịch tại Hà Nội cho biết, sàn của anh từng đưa nhân viên từ Hà Nội vào Đà Nẵng để bán condotel khi thị trường còn sôi động từ những năm 2015-2017. Tuy nhiên từ năm 2018, khi thị trường nghỉ dưỡng bắt đầu giảm tốc, sàn anh chủ động rút nhân viên về Hà Nội bán các dự án khác. Đến năm 2019, đổ vỡ cam kết lợi nhuận condotel ở dự án Cocobay khiến thị trường nghỉ dưỡng thực sự trầm lắng. Đến lúc này, sàn của anh Dương chỉ còn lại môi giới là người địa phương bám trụ tại trụ sở văn phòng. Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Dương quyết định giải tán văn phòng tại Đà Nẵng, tập trung hoàn toàn vào thị trường Hà Nội.
Thực tế đã ghi nhận rất nhiều môi giới từ Hà Nội, TP.HCM từng chuyển đến sinh sống tại các thị trường mạnh về bất động sản nghỉ dưỡng như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng để thuận tiện cho việc bán hàng cũng lần lượt rời bỏ các thị trường này từ năm 2018-2019 và không còn tham gia bán bất động sản nghỉ dưỡng khi dịch Covid-19 bùng phát.
Anh Phạm Văn Duy, môi giới từng bán nghỉ dưỡng tại Phú Quốc cho biết, khi bất động sản nghỉ dưỡng ven biển gặp khó, phần lớn môi giới bán phân khúc này chuyển sang bán các loại hình khác. Không ít môi giới giàu lên nhờ tham gia các thị trường nghỉ dưỡng lúc sôi động, khi không còn kiếm được lợi nhuận đã quay trở lại Hà Nội và TP.HCM, dùng số tiền kiếm được ở thời kì hoàng kim của nghỉ dưỡng, mở sàn bán các sản phẩm khác.
(Nguồn: ThanhNienViet)
- Tin tức khác