- Tin Thị Trường
Chiến lược thích ứng của doanh nghiệp BĐS trong tình hình dịch
Cập Nhật: 8/11/2021 | 3:29:29 PM
Làn sóng Covid-19 lần 4 đã qua sau 4 tháng giãn cách, tuy nhiên tình hình dịch được dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại các thị trường tỉnh. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp BĐS cần có sự chuẩn bị và thích ứng với thực trạng “sống chung với dịch”.
Học cách thay đổi để phù hợp với tình hình mới
Đại dịch Covid-19 lần 4 đã khiến thị trường BĐS hứng chịu rất nhiều khó khăn. Chia sẻ về khó khăn của thị trường, ông Phạm Lâm, P. Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong thời gian dịch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10, hơn 70% các sàn giao dịch phải tạm ngưng hoạt động, chỉ có khoảng 30% sàn giao dịch còn duy trì làm việc với công suất giao dịch đạt khoảng 50% so với thông thường. Lượng môi giới thất nghiệp, ngưng hoạt động hoặc tạm thời chuyển nghề gia tăng đáng kể. TP.HCM là thị trường bị ảnh hưởng lớn nhất, rất nhiều kế hoạch triển khai của doanh nghiệp bị đình trệ. Toàn TP.HCM chỉ có 2 dự án mở bán với tổng số lượng căn hộ 9 tháng đầu năm là 7.500 căn, giảm hơn 30% so với cùng kỳ và là cột mốc thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tuy khó khăn, doanh nghiệp BĐS, môi giới dần chủ động trong ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường. Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Kim Oanh cho biết, trong dịch bệnh doanh nghiệp nào cũng khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua, không chịu lùi bước và thất bại. Đến hiện tại, dù thị trường mở cửa trở lại thì khó khăn vẫn còn nhiều. Giai đoạn này, Kim Oanh đã có định hướng riêng, tự cơ cấu hoạt động, ưu tiên hoàn thiện các dự án, công trình dang dở trước đó để bắt kịp tiến độ cam kết với khách hàng. Thời điểm này, nếu doanh nghiệp không lấy được uy tín với khách hàng sẽ không phát triển được.
Doanh nghiệp BĐS chọn ưu tiên yếu tố an toàn lên hàng đầu và dần thích ứng với thực trạng sống chung cùng dịch bệnh.
Chia sẻ giải pháp duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong tình hình dịch, bà Nguyễn Hương, TGĐ Đại Phúc Land cho biết, hiện tại tâm lý thị trường trong ứng phó dịch bình tĩnh hơn trước đây. Đây là tín hiệu tích cho việc tái mở cửa. Dù là tình hình đã phần nào ổn định nhưng khi tái mở cửa hoạt động, ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp vẫn là bảo đảm quy trình và có giải pháp an toàn sức khỏe cho người lao động để duy trì bộ máy. Đại Phúc Land hiện ư tiên khôi phục hoạt động ở các công trường, duy trì hình thức bán hàng online và tiếp cận khách hàng thông qua công nghệ.
“Doanh nghiệp luôn trong tâm thế xác định dịch bệnh còn kéo dài, có thể phải đối mặt những đợt bùng phát sắp tới, cần tìm giải pháp ứng phó linh hoạt, vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, ưu tiên duy trì nguồn nhân lực, hoạt động của tập đoàn cho việc đầu tư phát triển trở lại trong quý 4/2021. Với tâm thế tăng tốc trong những tháng còn lại để bù lại thời gian ảnh hưởng dịch bệnh khá nặng nề, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong BĐS và nắm bắt xu thế mới”, bà Hương nhìn nhận.
Ông Caleb Lau, TGĐ Hong Kong Land cũng cho biết, làn sóng đại dịch Covid-19 thứ 4 là khó khăn và thách thức đối với hầu hết doanh nghiệp và cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cách thức làm việc, vận hành. Doanh nghiệp và người mua đang chuyển dần sang giao dịch trực tuyến. Không chỉ là ứng dụng công nghệ vào bán hàng, giao dịch, quảng bá dự án mà ngay chính sản phẩm doanh nghiệp tạo ra cũng cần phải bắt kịp xu hướng công nghệ, nhất là công nghệ tự động và thông minh. Ngoài ra, đại dịch cũng tạo ra một sự thay đổi trong hành vi mua hàng, mua bán đang dần chuyển sang hoạt động trực tuyến. Các nhà phát triển dự án đang phải thay đổi cách tiếp thị/phân phối sản phẩm của mình. Cụ thể là gần đây thị trường chứng kiến các đơn vị phát triển dự án nhà ở đã tiến hành chào bán và tiếp thị sản phẩm nhà ở bằng hình thức trực tuyến.
“Một điều chắc chắn, thị trường thay đổi là là điều tất yếu và chúng ta phải biết nắm lấy những thay đổi này và phát triển mạnh mẽ hơn vào cuối đại dịch này”, ông Caleb Lau nhấn mạnh.
Cần nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bên cạnh việc doanh nghiệp phải học cách thích ứng, bà Đặng Thị Kim Oanh cho rằng, sau dịch doanh nghiệp BĐS cũng chịu nhiều tổn thương, rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Cụ thể là các cơ quan ban ngành cần có sự tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về pháp lý cho dự án, tạo cơ chế rõ ràng về trách nhiệm địa phương, bộ ngành trong quản lý thủ tục cấp phép xây dựng... để doanh nghiệp bớt áp lực, bớt chi phí, thời gian kéo dài. Nếu không doanh nghiệp không thể phục hồi nhanh chóng.
Bên cạnh việc học cách thích ứng, thị trường BĐS cũng cần những lực đẩy từ phía chính quyền để sớm phục hồi. Ảnh minh họa
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, BĐS là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển kinh tế. Trong khó khăn, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Chính phủ, nhất là vấn đề ưu tiên dòng vốn và giải khóa chính sách; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh vững mạnh, tất cả nút thắt cần phải được tháo gỡ để doanh nghiệp bung lên. Hiện TP.HCM có tới hơn 100 dự án tồn đọng, cần tháo gỡ để cho họ hoạt động và việc tháo gỡ là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường phát triển. Thị trường BĐS cũng cần có một chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng. Với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, cần chương trình kích cầu lãi suất, thực hiện trong nhiều năm để tạo dòng tiền, kích thích. Lúc này, vai trò kết nối của ngân hàng và doanh nghiệp thông qua vai trò của chính quyền là rất cần thiết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, doanh nghiệp BĐS không xin hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin tháo gỡ vướng mắc từ các thủ tục pháp lý. Thị trường BĐS có khả năng tự phục hồi, vấn đề là doanh nghiệp cần phải được tháo gỡ cơ chế chính sách thì mới có thể bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bị nén chặt.
(Nguồn: ThanhNienViet)
- Tin tức khác