- Kinh Nghiệm - Kiến Thức
Đất lưu không là gì? Quy định về việc sử dụng đất lưu không
Cập Nhật: 21/5/2021 | 4:09:03 PM
Đất lưu không là một khái niệm mà không phải ai cũng biết. Cũng vì thế mà nhiều người bị xử phạt khi không nắm rõ được những quy định về việc sử dụng đất lưu không. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp khái niệm đất lưu không là gì và quy định sử dụng đất lưu không.
Đất lưu không là gì?
Hiện nay, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề nhắc đến khái niệm đất lưu không. Vì thế, đây không phải thuật ngữ pháp lý mà chỉ mang tính truyền miệng, do người dân sử dụng nhiều mà có.
Đất lưu không có thể hiểu là hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, đê điều… Phần đất này nằm trong quy hoạch làm đất để phục vụ công trình công cộng, giao thông, thủy lợi, điện mà Nhà nước chưa sử dụng đến nên hiện bỏ không.
Đất lưu không là hành lang an toàn giao thông, hành lang lưới điện, đê điều...
Ví dụ như theo Luật giao thông đường bộ 2008, hành lang an toàn đường bộ là dải đất dọc hai bên đất của đường bộ, tính từ mép ngoài đất của đường bộ ra hai bên để bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Nói cách khác đất lưu không là đất công cộng và do Nhà nước quản lý. Khi Nhà nước chưa sử dụng đến quỹ đất này thì người dân được tạm thời sử dụng, nhưng sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và khi Nhà nước thu hồi thì không được đền bù.
Đất lưu không do ai quản lý?
Đất lưu không là gì? Do ai quản lý? Theo quy định, đây là khoảng đất được các cơ quan, tổ chức trực tiếp giám sát, thực hiện công trình do nhà nước quy định quản lý và chịu trách nhiệm.
Qua đó, nếu phát hiện hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất lưu không thì UBND cấp xã nơi đất không lưu nằm tại khu vực đó sẽ được toàn quyền quyết định và xử phạt nhằm bảo vệ sự an toàn cho công trình.
Quy định về việc sử dụng đất lưu không
Sử dụng đất lưu không trước nhà
Người dân có thể sử dụng đất lưu không nếu có nhu cầu. Tuy nhiên, khi Nhà nước cần sử dụng và thu hồi thì người dân phải hoàn trả. Đất lưu không thuộc sở hữu của Nhà nước nên người dân chỉ được sử dụng tạm thời. Người sử dụng đất lưu không cũng không phải đóng các khoản thuế liên quan đến đất.
Ngoài ra, sử dụng phải tuân theo nguyên tắc không ảnh hưởng đến xung quanh và công trình công cộng. Theo Nghị định Chính phủ 43/2014/NĐ-CP có quy định về vấn đề này như sau:
- Nếu công trình trên đất hay việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người sử dụng hay việc bảo vệ an toàn công trình thì cơ quan Nhà nước sẽ thẩm định mức độ ảnh hưởng và ra quyết định đề nghị thu hồi cần thiết.
- Nếu việc sử dụng đất khiến việc bảo vệ an toàn công trình bị ảnh hưởng thì người sử dụng phải có biện pháp khắc phục.
- Để được sử dụng đất thì người dân cần khai báo và được sự cho phép của UBND xã/phường. Đồng thời, phải thực hiện cam kết không nhận được bồi thường khi thu Nhà nước có quyết định thu hồi.
Xây dựng nhà ở trên phần diện tích đất lưu không là trái pháp luật và có thể sẽ bị xử phạt hành chính
>>> Xem thêm: Đất phát triển hạ tầng là gì?
Xử phạt lấn chiếm đất lưu không
Trên thực tế vẫn có nhiều người dân, doanh nghiệp cố tình làm ngơ, lấn chiếm đất lưu không để trồng trọt, mở hàng quán kinh doanh, thậm chí là xây nhà trái phép. việc người dân tự ý sử dụng phần đất lưu không trước nhà là trái với quy định của pháp luật.
Theo Khoản 4 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP, hành vi lấn chiếm đất không thuộc sở hữu cá nhân sẽ bị xử phạt như sau:
- Đối với cá nhân: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng
- Đối với doanh nghiệp, tổ chức: Phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng
Mặt khác, nếu phát hiện những người sinh sống xung quanh có hành vi lấn chiếm đất lưu không để trồng cây, kinh doanh buôn bán,... ảnh hưởng đến tầm nhìn, hoạt động của những người xung quanh thì có thể làm đơn tố cáo và gửi lên UBND địa phương để được giải quyết.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm sẽ buộc phải trả lại đất đã lấn, chiếm đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.
Giải quyết tranh chấp khi sử dụng đất lưu không
Có khá nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp với phần đất lưu không giữa các cá nhân/hộ gia đình.
Không có quy định nào về việc đất lưu không trước nhà ai thì nhà đó được quyền sử dụng. Các hộ gia đình muốn sử dụng phần đất này có thể làm văn bản thỏa thuận. Sau đó, trình lên để UBND cấp xã/phường chấp thuận.
Nếu có tranh chấp về phần đất này có thể xử lý dựa trên văn bản thỏa thuận. Nếu chưa có thỏa thuận về vấn đề này, tốt nhất hai bên nên thương lượng lại với nhau. Sẽ rất khó xử lý việc này nếu đưa ra trước pháp luật bởi thực tế phần đất này không thuộc sở hữu của ai.
Có rất nhiều khúc mắc về việc sử dụng đất lưu không bởi đây là loại đất thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
Trên đây là những giải đáp chi tiết về khái niệm đất lưu không là gì và các quy định mới nhất trong việc sử dụng đất lưu không. Để đón đọc thêm các nội dung về quy định, thủ tục pháp lý liên quan đến mua bán đất đai ở Phú Quốc, đừng quên truy cập vào Bat dong sản Phu Quoc mỗi ngày!
(Nguồn: BDS Phú Quốc)
- Tin tức khác