- Tin Thị Trường
Doanh nghiệp địa ốc âm thầm “săn” quỹ đất mùa dịch
Cập Nhật: 25/6/2021 | 9:04:45 AM
Trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn vì dịch bệnh, các doanh nghiệp địa ốc vẫn âm thầm “săn” quỹ đất bằng các hoạt động M&A. Theo các chuyên gia kinh tế và bất động sản, dịch bệnh là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp mua được những dự án tốt với giá hợp lý mà trước đó khó có thể thực hiện.
Cơ hội "săn" quỹ đất mùa dịch
Mới nhất, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) công bố hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,5% phần vốn góp của các cổ đông Công ty CP Bất động sản đầu tư và phát triển cao ốc Bình Dương, qua đó chính thức sở hữu dự án Chung cư Bình Dương Tower. Đây là dự án có diện tích hơn 4,5 ha, tọa lạc tại trung tâm TP. Thuận An với tổng mức đầu tư dự kiến 5.600 tỷ đồng, cũng là dự án thứ hai Phát Đạt thực hiện tại Bình Dương, sau dự án Astral City quy mô 3,74 ha với tổng mức đầu tư 9.620 tỷ đồng.
Các DN BĐS có năng lực tài chính vững mạnh đang tích cực M&A để nâng cao quỹ đất trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Quốc Hải)
Tính đến hiện tại, Phát Đạt là DN có quỹ đất khá lớn với gần 470 ha, chủ yếu ở miền Trung (Bình Định 159 ha, Quảng Ngãi 52 ha) và Phú Quốc (hơn 178 ha), ngoài ra còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu (15,4 ha), TP.HCM (28,5 ha), Bình Dương (8,2ha). Tại miền Trung, dự án lớn nhất là Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (116 ha), gồm 3 phân khu 2, 4 và 9. Ngoài ra, công ty có phát triển BĐS nghỉ dưỡng tại Bà Rịa – Vũng Tàu (15,4 ha), Phú Quốc (hơn 178 ha).
Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền cũng vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ tại 2 công ty con là Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế và Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Kim Phát nhằm thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất ở TP.Thủ Đức.
Danh Việt Group (DVG) mới đây cũng công bố mua lại thành công 100% cổ phần Phú Gia Khiêm Land, qua đó trở thành chủ sở hữu quỹ đất vàng gần 7.000 m2 nằm trên mặt tiền đường huyết mạch DT 743 của TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Có thể thấy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam (đầu năm 2020), các DN địa ốc liên tục "săn" quỹ đất thành công, nâng "của để dành" của doanh nghiệp lên con số "khủng" so với những năm trước. Chẳng hạn, với Vinhomes (HOSE: VHM), nếu quỹ đất năm 2019 của DN này chỉ là 13.600 ha, thì hết năm 2020 công ty sở hữu 16.200 ha quỹ đất xây dựng căn hộ, officetel, shophouse, shopoffice, biệt thự, biệt thự biển và condotel.
Thậm chí, phần diện tích này không bao gồm các dự án đã hoàn thành và đang nghiên cứu của Vinhomes.
Xếp thứ 2 trong các DN địa ốc đang nắm quỹ đất khủng là Novaland (HOSE: NVL), hiện "ông lớn" BĐS này đang nắm trong tay quỹ đất gần 5.000 ha. Mới đây, Novaland cũng tiết lộ thông tin đang đàm phán chuyển nhượng một dự án bất động sản quy mô lớn tại khu Đông TP.HCM với giá trị thương vụ lên đến 40.000 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
Nếu đàm phán thành công, thương vụ này dự kiến mang về cho Novaland khoảng 8.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Gom quỹ đất để sẵn sàng tung các sản phẩm bất động sản ra thị trường ngay sau mùa dịch (Ảnh: Quốc Hải)
Một "ông lớn" khác không thể không kể đến là Hưng Thịnh, hiện quỹ đất phát triển của DN này lên tới 4.500 ha, phân bổ khắp nhiều tỉnh, thành như TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh thành có tiềm năng kinh tế lớn như Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Những cái tên Tập đoàn Danh Khôi, Công ty LDG,… cũng đang tích cực "đi chợ" dự án từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.
Chẳng hạn, tính từ đầu năm 2020 đến nay, Danh Khôi đã thâu tóm thành công 6 dự án tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong khi đó, LDG cũng công bố mua lại nhiều dự án ở các địa phương, nâng tổng quỹ đất của DN này từ 170 ha (2019) lên tới 813 ha (2020)…
Tương tự, Nam Long (HOSE: NLG) cũng là cái tên tích cực trong hoạt động M&A, năm 2019 DN này có quỹ đất là 681 ha thì trong năm 2020, DN này mua thêm 20 ha đất tại dự án Waterfont Đồng Nai từ Keppel Land, nâng thêm quỹ đất của mình lên 701 ha.
>>> Có thể bạn quan tâm: “Vũ khí” cạnh tranh của doanh nghiệp địa ốc trên thị trường bất động sản địa phương
Con đường nhanh để doanh nghiệp lớn mạnh
Theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp địa ốc, M&A chính là con đường tất yếu để các DN có tiềm lực tài chính mong muốn gia tăng quỹ đất trong thời điểm này.
Lãnh đạo công ty LDG khẳng định phát triển quỹ đất sẽ tiếp tục được DN chú trọng. Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Đầu tư LDG, khẳng định trong năm 2021, công ty sẽ phát triển thêm một số dự án đô thị, nhà ở tại Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Cần Thơ. Đây là những địa phương ưu tiên để phát triển các dự án nhà ở, đô thị.
Ngoài ra, LDG sẽ tiếp tục đẩy nhanh các dự án khu phức hợp LDG Grand và các khu căn hộ, đô thị đã M&A trước đó.
"Thị trường chung đang hiểu việc M&A quỹ đất giống như câu chuyện mua đi, bán lại thu khoản chênh lệch lợi nhuận sau một thời gian để dành. Tuy nhiên, đó không phải là cách LDG thực hiện. Công ty chọn phát triển quỹ đất là một mảng kinh doanh cốt lõi đem lại giá trị thực sự cho doanh nghiệp và đối tác", lãnh đạo LDG, khẳng định.
Dịch Covid-19 đã tạo cơ hội săn tìm quỹ đất cho các công ty BĐS có tiềm lực mạnh về tài chính (Ảnh: Quốc Hải)
Đại diện Nam Long cũng cho hay, mỗi năm, DN này dự kiến sẽ dành khoảng ít nhất 2.000 tỷ để phát triển quỹ đất mới.
Trong một báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán VNDirect về ngành bất động sản đã đưa ra nhận định, các thương vụ M&A sẽ giúp thị trường BĐS năm 2021 sôi động hơn. Bởi lẽ, quá trình phê duyệt pháp lý kéo dài kể từ giữa năm 2018 và tác động của dịch Covid–19 đã khiến nhiều nhà phát triển có quy mô nhỏ đối mặt với các áp lực về tài chính. Điều này đã tạo cơ hội săn tìm quỹ đất cho các công ty BĐS có tiềm lực mạnh về tài chính…
Nói về câu chuyện M&A của các DN bất động sản thời gian qua, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, cho hay: "Dịch bệnh là thách thức nhưng đồng thời là cơ hội cho doanh nghiệp mua được những dự án tốt với giá hợp lý mà trước đó khó có thể thực hiện".
Theo ông Quang, xu hướng M&A diễn ra từ năm ngoài đến năm nay rồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay thì xu hướng này cũng chưa thể hiện rõ lắm, có thể sau khi khống chế dịch bệnh tốt thì xu hướng có thể sẽ bùng nổ.
(Nguồn: Sưu Tầm)
- Tin tức khác