- Tin Thị Trường
"Hộ chiếu vắc-xin" và cơ hội "phá băng" thị trường BĐS nghỉ dưỡng
Cập Nhật: 13/9/2021 | 2:45:26 PM
"Hộ chiếu vắc-xin” là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế.
THÍ ĐIỂM "HỘ CHIẾU VẮC-XIN" TẠI PHÚ QUỐC
“Từ nay đến cuối năm, cần thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, dự kiến đón 2-3 triệu lượt người”, đó là kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9 vừa qua.
Thủ tướng cho biết, kế hoạch thí điểm thu hút khách quốc tế đến Phú Quốc đã được Bộ Chính trị đồng ý tại Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chủ trương nghiên cứu thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc (Kiên Giang).
"Hộ chiếu vắc-xin” là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch Y tế quốc tế. “Hộ chiếu vắc-xin" cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm; sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Cùng với đó, nhân viên ngành Y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân thuộc diện tiêm chủng lên hệ thống phần mềm.
“Hộ chiếu "vắc-xin” đang được xem là một trong những giải pháp giúp nối lại các chuyến bay quốc tế, khơi thông du lịch, thương mại và vực dậy các nền kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để các quốc gia có thể nhanh chóng, an toàn mở cửa biên giới, từng bước khôi phục các ngành du lịch, hàng không, thương mại đầu tư.
Ngay từ cuối tháng 6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Theo đề xuất của Bộ, Phú Quốc sẽ được thí điểm đón khách quốc tế trong thời gian 6 tháng, dự kiến từ 1/10. Du khách trong nước và quốc tế chỉ có thể vào đảo Phú Quốc nếu có chứng nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 và kết quả xét nghiệm âm tính. Việt Nam dự kiến đón khách từ thị trường có tiềm năng, độ an toàn cao về dịch bệnh ở các khu vực như: Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Kiên Giang sẽ lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tham gia đón khách quốc tế theo tiêu chí bảo đảm an toàn phòng dịch và chất lượng dịch vụ. Du khách cũng phải đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói, khép kín của doanh nghiệp lữ hành đã được lựa chọn.
Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc. Đây là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú, bất động sản nghỉ dưỡng. Theo các doanh nghiệp, đây chính là “cú hích” để có thể kích hoạt nhiều hoạt động dịch vụ, mở đường cho việc phục hồi thị trường du lịch vốn đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19.
“Đây là thời điểm thuận lợi để các đơn vị chủ động xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với cả khách nội địa và quốc tế. Khi việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc thành công, hy vọng mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra những địa phương khác”, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng nhận định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình, việc thí điểm đón khách quốc tế tại Phú Quốc là cơ hội để các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, điểm đến, lưu trú khởi động lại các dịch vụ. Tuy nhiên, để kế hoạch này thành công, các đơn vị cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ việc khảo sát điểm đến, xây dựng các gói dịch vụ, tour du lịch khép kín cho đến bảo đảm an toàn và cần tính đến nguồn nhân lực phục vụ du khách. Với tinh thần chung, các đơn vị du lịch đều sẵn sàng triển khai kế hoạch, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để tiến tới phục hồi thị trường du lịch.
Được biết, quá trình thí điểm được chia làm 2 giai đoạn. Trong 3 tháng đầu, Phú Quốc dự kiến đón từ 2.000 - 3.000 khách/tháng thông qua các chuyến bay thuê chuyến. Du khách sẽ được phục vụ giới hạn trong phạm vi một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, an toàn, dành riêng cho khách du lịch quốc tế. Từ tháng thứ 4, sau khi đánh giá giai đoạn 1, nếu thực hiện tốt, có thể triển khai đón khách thông qua các chuyến bay thương mại và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế. Ở giai đoạn này, dự tính đón từ 5.000 - 10.000 khách/tháng.
Trong 6 tháng thí điểm, Tổng cục Du lịch ước lượng Phú Quốc có thể đón từ 25.000 - 40.000 khách du lịch quốc tế.
Để sẵn sàng thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, TP. Phú Quốc đã đẩy mạnh việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân sinh sống trên địa bàn để sớm triển khai “hộ chiếu vắc-xin” theo kế hoạch.
Ý kiến của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh và ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa về tác động của chủ trương áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” đối với ngành du lịch, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung.
KỲ VỌNG VÀO TRẠNG THÁI "BÌNH THƯỜNG MỚI" CỦA NGÀNH DU LỊCH
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: “Hộ chiếu vắc-xin” đã và đang được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cho phép công dân của mình sử dụng chứng nhận tiêm chủng để đi du lịch, đồng thời sử dụng cho các hoạt động trong nước. Vấn đề bình thường hóa các hoạt động của nền kinh tế, sống chung với dịch bệnh một cách an toàn đang là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Việc thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” tại Phú Quốc sẽ giúp các hoạt động giao thương, dịch vụ du lịch, lưu trú quay trở lại trạng thái “bình thường mới”. Đây là cơ hội lớn để ngành du lịch ở Phú Quốc tăng trưởng nhanh chóng, từ đó phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc cũng kỳ vọng được tăng lên nấc thang mới.
Rõ ràng, Phú Quốc là thành phố biển đảo đủ rộng và đủ đẹp để thu hút một lượng du khách rất lớn của quốc tế cũng như của Việt Nam đến với hòn đảo này. Trong thời gian gần đây, Phú Quốc được xếp vào danh sách những điểm du lịch không thể bỏ qua, thu hút khách du lịch nhiều nhất, hiệu suất thuê phòng rất lớn nên giá trị bất động sản nghỉ dưỡng đang tăng trưởng rất nhanh và cũng là địa điểm thu hút đầu tư rất lớn từ các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp. Cơ sở lưu trú du lịch, các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại đây ngày càng đạt tiêu chuẩn cao, mang tầm quốc tế. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng tại đây vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của phố đảo này, mà mới chỉ ở giai đoạn đầu của “cuộc chơi”. Cùng với đó, tác động của dịch bệnh đã khiến bất động sản nghỉ dưỡng ở phố đảo rơi vào trạng thái “đóng băng” trong thời gian dài cùng với bối cảnh chung của ngành du lịch.
Chính vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch cũng như các bất động sản của Phú Quốc trong thời gian tới sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ và những bước đi tương xứng để phát huy hết lợi thế cũng như khả năng đang có, đặc biệt là vấn đề thu hút khách du lịch.
Bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc được kỳ vọng sẽ "phá băng" nhờ hộ chiếu "vắc - xin". Ảnh minh họa.
“Hộ chiếu vắc-xin” sẽ là bệ đỡ rất lớn cho các doanh nghiệp đầu tư. Nhưng muốn chớp được thời cơ để phục hồi trở lại thì các doanh nghiệp buộc phải nhanh nhạy, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa ra những chiến lược phát triển, sáng tạo những sản phẩm du lịch đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách, để không chỉ giữ chân được du khách mà còn khiến họ gia tăng chi tiêu trong kỳ nghỉ của mình.
Thời gian qua, thấy rằng nhiều nhà phát triển bất động sản hàng đầu như Vingroup, Sun Group đã và đang chuẩn bị rất nhiều điều kiện để phát triển các hoạt động tốt hơn tại Phú Quốc. Khi có “hộ chiếu vắc-xin” và gia tăng miễn dịch cộng đồng, chắc chắn, bất động sản du lịch tại đây sẽ tăng trưởng và phát triển rất rực rỡ.
Tôi tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành, chương trình “hộ chiếu vắc-xin” sẽ sớm phát huy hiệu quả tại Phú Quốc, để từ đó có thể nhân rộng ra áp dụng ở nhiều địa phương khác trên cả nước.
Sau thời gian dài đóng cửa, việc sống chung với dịch bệnh để tiếp tục phát triển kinh tế là yêu cầu tất yếu, trong đó, việc “mở cửa” đón khách du lịch trở lại cũng là vấn đề không thể chậm trễ. Đặc biệt là khi, khách du lịch nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng tìm kiếm những địa điểm du lịch an toàn để “tránh dịch” cũng như nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Nếu Việt Nam không “nhanh chân” thì sẽ mất đi cơ hội vàng. Trên tất cả, ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế không thể “đóng băng” thêm nữa khi nhiều doanh nghiệp đã rơi vào trạng thái “thoi thóp”, nhiều lao động mất việc làm…
Chủ trương thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” là một chính sách rất đúng đắn trong bối cảnh hiện tại. Đây cũng là bước ngoặt giúp ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi và chuyển mình nhanh hơn và tốt hơn trong tương lai.
"CỬA THOÁT HIỂM" CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN NGHỈ DƯỠNG
Ông Phan Việt Hoàng: “Hộ chiếu vắc-xin” có thể coi là loại “vắc-xin kinh tế” tốt nhất cho cho tất cả ngành nghề của nền kinh tế nói chung và bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng. Chủ trương sống chung với dịch an toàn - hiệu quả là hoàn toàn đúng đắn. Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai chương trình này. Việc mở cửa cho đi lại giao thương sẽ tạo ra nguồn thu, góp phần sớm phục hồi “sức khoẻ” cho các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm và nếu triển khai tốt thì sang năm 2022 chúng ta có thể trở lại trạng thái “bình thường mới” trong cộng đồng, tạo hiệu ứng phục hồi cho các hoạt động kinh tế.
Điề này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại cho nhiều nghành nghề, trong đó ngành hàng không, du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng được dự báo sẽ là những ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng nhất sau dịch.
Hiện nay, Phú Quốc được đề xuất là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình “hộ chiếu vắc-xin” để đón khách du lịch quốc tế. Bởi Phú Quốc có vị trí biệt lập với đất liền, sở hữu nhiều hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng và dịch vụ thương mại cao cấp… nên rất phù hợp với chương trình này.
Bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc và các vùng ven biển đang có cơ hội “phá băng” sau thời gian dài giãn cách xã hội bởi thị phần du lịch “bình thường mới” của giới nhà giàu đến từ Mỹ, châu Âu và Nga… rất lớn. Thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, có thể thấy, dù dịch bệnh vẫn đang diễn ra, nhưng dòng khách này đã đi du lịch gần 1 năm nay khi được tiêm chủng và sử dụng các biện pháp phòng dịch an toàn. Điều đáng nói, các khách quốc tế rất thích môi trường du lịch gắn với thiên nhiên, biển đảo và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nên nếu triển khai kết nối thị trường tốt và an toàn thì Phú Quốc còn có cơ hội thu hút đầu tư vào sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng second home. Đây là thị trường vốn rất sôi động, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư thời điểm trước dịch.
Cảnh quan biển đảo tại Phú Quốc là địa thế tuyệt vời để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh minh họa.
Các chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nên chuẩn bị tâm thế và nguồn lực sẵn sàng để nắm bắt cơ hội này, trước hết là tăng cường chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào công tác bán hàng, chăm sóc sức khỏe…; cùng với đó là đảm bảo các điều kiện chống dịch, hoàn thiện các sản phẩm lưu trú, dịch vụ giải trí thu hút khách du lịch.
- Giải mã xu hướng chăm sóc sức khỏe tại gia giữa lòng Phú Quốc
- Tiềm năng đầu tư du lịch chăm sóc sức khỏe tại Phú Quốc
- Du Lịch Chăm Sóc Sức Khỏe (Wellness Tourism) - Loại hình BĐS nghỉ dưỡng mới tại Phú Quốc
Để việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” hiệu quả thì việc gia tăng miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng diện rộng cần sớm được thực hiện. Đây cũng là yếu tố then chốt để phục hồi ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng. Ngành du lịch cần được triển khai tiêm chủng vắc xin nhanh chóng và hiệu quả nhằm hỗ trợ quá trình khôi phục hoạt động du lịch một cách an toàn và ổn định hơn trong thời gian tới.
Sau Phú Quốc, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đưa ra kế hoạch nghiên cứu mở rộng triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành giai đoạn cuối năm 2021 đầu năm 2022 cho các thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hoà)… để triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước và các hãng hàng không, tin chắc rằng thị trường du dịch và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi sớm hơn dự kiến.
“Cánh cửa này đóng lại thì sẽ có cách cửa khác mở ra”. “Hộ chiếu vắc-xin” thực sự là “cánh cửa” mới và là “cửa thoát hiểm” cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Y tế, Bộ TT&TT để xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin tiêu chuẩn châu Âu nhằm sẵn sàng phục vụ mở đón khách quốc tế. Hệ thống đã được tích hợp lên ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn", đáp ứng yêu cầu về an ninh, an toàn và bảo mật thông tin, hỗ trợ khách du lịch từ trước khi nhập cảnh đến khi xuất cảnh rời Việt Nam.
Song song với đó, ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" đã được tích hợp tính năng “Tờ khai y tế” theo quy định của Bộ Y tế. Dữ liệu được liên thông trực tiếp đến Hệ thống quản lý khai báo y tế của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh việc khai báo y tế, chứng nhận tiêm chủng, người dùng ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" có thể tiếp cận hệ sinh thái thông minh như tìm kiếm điểm đến an toàn, cập nhật thông tin dịch bệnh ở các địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ, quản lý tour du lịch, khám phá điểm đến...
(Nguồn: Theo reatimes.vn)
- Tin tức khác