- Tư vấn Luật Đất Đai
Hợp đồng ủy quyền là gì? Mẫu hợp đồng ủy quyền mới nhất 2021
Cập Nhật: 7/7/2021 | 10:29:52 AM
Theo quy định pháp luật, cá nhân, pháp nhân không phải lúc nào cũng có thể trực tiếp tham gia vào quan hệ hợp đồng. Vì vậy, pháp luật cho phép họ có thể ủy quyền cho người thứ ba, thay mặt mình giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Hợp đồng ủy quyền là gì?
Điều 562 Bộ luật dân sự 2015 – Hợp đồng ủy quyền:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên có nghĩa vụ ủy quyền được thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền nằm trong nhóm hợp đồng có đối tượng là công việc, theo đó, chủ thể của hợp đồng ủy quyền gồm bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Tuy nhiên tùy từng trường hợp theo thỏa thuận, có trường hợp bên ủy quyền phải chi trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận về thù lao hoặc có thỏa thuận không cần thù lao thì bên ủy quyền không cần chi trả thù lao cho bên được ủy quyền.
Mẫu hợp đồng ủy quyền mới nhất 2021
- Tải Mẫu Hợp đồng ủy quyền mới nhất 2021 ngay TẠI ĐÂY.
Phân biệt Hợp đồng ủy quyền và Giấy ủy quyền
Rất nhiều người hiểu nhầm rằng Giấy ủy quyền và Hợp đồng ủy quyền là một và gọi lẫn lộn giữa 2 loại với nhau. Tuy nhiên, về bản chất chúng hoàn toàn khác nhau. Những điểm khác nhau của 2 loại giấy tờ này cụ thể như sau:
Tiêu chí | Giấy ủy quyền | Hợp đồng ủy quyền |
1.Khái niệm | Giấy ủy quyền là một hình thức đại diện ủy quyền do chủ thể bằng hành vi pháp lý đơn phương thực hiện, trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại Giấy ủy quyền. | Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định ( Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015). |
2. Căn cứ pháp luật | Chỉ được thừa nhận trong thực tế không có văn bản nào quy định cụ thể. | Bộ luật Dân sự năm 2015. |
3.Chủ thể | Giấy ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền (hay gọi là ủy quyền đơn phương). | Hợp đồng ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền và người được ủy quyền. |
4.Bản chất | Là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền và áp dụng nhiều trong trường hợp cấp trên ủy quyền cho cấp dưới thực hiện công việc thông qua giấy ủy quyền. | Là một hợp đồng, có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên. |
5.Ủy quyền lại | Người được ủy quyền không được ủy quyền lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định. | Bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. |
6.Giá trị thực hiện |
- Khi ủy quyền, không cần có sự tham gia của bên nhận ủy quyền (ủy quyền đơn phương). - Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy. |
- Đòi hỏi phải có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. - Việc lập hợp đồng ủy quyền đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và có giá trị bắt buộc phải thực hiện các công việc đã nêu trong hợp đồng, đồng thời bên nhận ủy quyền có thể được nhận thù lao (theo thỏa thuận, nếu có). |
7.Thời hạn ủy quyền | Thời hạn ủy quyền do Người ủy quyền quy định hoặc do pháp luật quy định. | Thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền. ( Điều 563 BLDS 2015). |
8.Đơn phương chấm dứt thực hiện uỷ quyền | Sau khi Giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại. | Hợp đồng ủy quyền quy định rõ ràng về nghĩa vụ của bên được ủy quyền, và nếu có thiệt hại thì phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. |
Một số thắc mắc về Hợp đồng ủy quyền
Khi tiến hành chuyển nhượng đất tái định cư chưa có sổ đỏ thì phải có Hợp đồng ủy quyền. Nhưng xung quanh loại giấy tờ này có rất nhiều thắc mắc cần được giải đáp.
Có phải cam kết hủy hợp đồng ủy quyền bằng văn bản khi hủy không?
Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch được quy định cụ thể tại Điều 51 Luật Công chứng 2014. Cụ thể như sau:
1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.
2. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành.
Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, khi hủy bỏ hợp đồng công chứng ủy quyền, các bên cần phải cam kết thỏa thuận bằng văn bản về việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền. Đây là thủ tục bắt buộc giữa các bên.
Do đó, công chứng viên yêu cầu hai bên cam kết thỏa thuận việc hủy bỏ hợp đồng ủy quyền đã ký bằng văn bản cam kết là đúng quy định pháp luật. Các bên cần có nghĩa vụ thực hiện.
- Có thể bạn quan tâm: Tư vấn Luật Đất Đai
Chứng thực hợp đồng ủy quyền liệu bên được ủy quyền có được vắng mặt hay không?
Theo quy định tại Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch thực hiện như sau:
- Người yêu cầu chứng thực nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực gồm:
- Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của những người yêu cầu chứng thực kèm bản chính để đối chiếu;
- Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh về quyền, lợi ích hợp của mình trong giao dịch kèm bản chính để đối chiếu;
- Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực trừ trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng. Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng.
- Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực nêu trên, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực phải ghi lời chứng; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với hợp đồng, giao dịch có từ 02 trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của người yêu cầu chứng thực và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của hợp đồng, giao dịch. Trường hợp hợp đồng, giao dịch có từ 02 tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
Theo quy định trên, nếu bên được ủy quyền đã có chữ ký mẫu được đăng ký tại UBND xã nơi thực hiện thủ tục chứng thực và đó là người có thẩm quyền của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thì người này có thể ký trước vào hợp đồng.
Tuy nhiên, đối với hợp đồng ủy quyền, có thể bên được ủy quyền không có mặt tại nơi chứng thực hợp đồng ủy quyền thì ủy ban nhân dân xã vẫn có thể viết lời chứng bởi hợp đồng ủy quyền chủ yếu là ý chí của bên ủy quyền, ủy ban nhân dân xã có thể xác định ý chí của bên được ủy quyền thông qua cuộc nói chuyện điện thoại để xác minh vấn đề này.
Trên đây là nội dung Hợp đồng ủy quyền BDS Phú Quốc gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline để được tư vấn thêm.
(Nguồn: BDS Phú Quốc)
- Tin tức khác