- Tin Thị Trường
Khó phán đoán thời điểm phục hồi của thị trường bất động sản
Cập Nhật: 7/8/2021 | 4:11:37 PM
Diễn biến của thị trường trong các tháng tới đây được nhận định là rất khó đoán khi mà tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu sẽ được kiểm soát trong ngắn hạn.
Thị trường BĐS được dự báo khó phục hồi và bức tốc trong các tháng cuối năm 2021. Ảnh minh họa
Nhận định về tiềm năng của thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2021, giới chuyên gia cho rằng, từ nay đến cuối năm, những tác động của dịch Covid-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường.BĐS sẽ tiếp tục ảm đạm suốt 6 tháng cuối năm, thậm chí lâu hơn, do dịch bệnh diễn biến khó lường. Sẽ có sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc BĐS và dự án, khả năng phục hồi của ngành này chịu ảnh hưởng chính từ khả năng kiểm soát Covid-19.
Chuyên gia kinh tế Trần Khánh Quang, Giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa cho biết, hiện cả nước đều tập trung phòng chống dịch, việc phong tỏa và siết chặt quy định hạn chế di chuyển, thị trường đầu tư và kể cả tiêu dùngBĐS có thể bị tạm quên giai đoạn này. Với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì sớm nhất phải tới tháng 9 và 10, mọi thứ mới ổn định.
Ông Quang cho rằng từ nay đến cuối năm, BĐS nhà ở sẽ chịu tác động lớn khi sức cầu khó phục hồi trong thực trạng người dân đang có quá nhiều nỗi lo tài chính, khó ưu tiên dòng tiền vào đầu tư. Riêng BĐS nghỉ dưỡng liên quan mật thiết đến hoạt động du lịch, các đường bay quốc tế nên sẽ khó có tín hiệu tích cực, thậm chí phân khúc từng “sáng” nhất là BĐS công nghiệp cũng đang chứng kiến nhiều khó khăn. Điểm sáng của thị trường có thể rơi vào sản phẩm đất nền có sổ, giá dưới 2 tỷ đồng và căn hộ hoàn thiện đáp ứng nhu cầu ở thật. Các loại hình khác ít nhiều vẫn gặp khó khăn.
Ông Trần Hiếu, Phó TGĐ kinh doanh DKRA Việt Nam cho biết, trước mắt thị trường địa ốc gần như chắc chắn ảm đạm trong quý 3. Đến hiện tại nhiều tỉnh thành dự kiến phong tỏa có thể kéo dài đến giữa tháng 8 để phòng dịch bệnh. Thêm vào đó, tháng 8 cũng rơi vào tháng ngâu, mua bán nhà đất đều hạn chế do tâm lý kiêng kỵ kéo dài đến tận tháng 9. Vì vậy, suốt quý 3/2021 thị trường sẽ trầm lắng. Nếu thời điểm đầu quý 4, TP kiểm soát được Covid-19, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu tăng tốc bán hàng và thị trường có thể xuất hiện những gam màu sáng. Còn nếu ngược lại, thị trường sẽ vẫn trầm lắng đến cuối năm và phải chờ đến sau kỳ nghỉ Tết 2022 mới bắt đầu tái khởi động lại.
Không quá lạc quan về thị trường, nhiều chuyên gia địa ốc đưa ra những dự báo, sự ngủ đông củaBĐS sẽ kéo dài hơn và khó có thể lạc quan về kịch bản phục hồi sớm trong quý 4/2021. Theo lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM, thị trường sẽ trầm lắng đến hết năm 2021 và có thể kéo dài sang đến quý 1/2022. Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tiếp tục đối mặt với kịch bản khó khăn kéo dài và phải đến giữa năm 2022 thị mới phục hồi trở lại.
“Còn quá sớm để xác định thời điểm BĐS phục hồi vì sức khỏe thị trường phụ thuộc hoàn toàn vào biến số dịch bệnh và chiến dịch tiêm vaccine. Diễn biến dịch tại nhiều nước quanh khu vực đang có xu hướng gia tăng, thậm chí nhiều quốc gia tiềm lực như Mỹ, Châu Âu cũng mất 6-8 tháng để đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Vì vậy, thời gian phục hồi thị trường BĐS Việt Nam không thể lạc quan sau vài tháng hay một vài quý. Nếu lạc quan nhất, cơ hội phục hồi của thị trường địa ốc phải từ quý 2/2022 trở đi”, vị này chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Hương, TGĐ công ty BĐS Đại Phúc Land, ở thời điểm này, các doanh nghiệp BĐS đang dồn sức để duy trì hoạt động. Vì vậy, tình hình 6 tháng cuối năm chưa thể khả quan ngay. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, BĐS vẫn là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền, mà cụ thể là lĩnh vực nhà ở vì đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu của người dân. Bởi theo bà Hương, lãi suất ngân hàng vẫn đang thấp, các lĩnh vực khác vì ảnh hưởng dịch bệnh nên chưa thể tăng giá trị ngay, nên nhà ở gồm căn hộ chung cư và nhà phố sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, các lĩnh vực dành cho đầu tư như BĐS nghỉ dưỡng hay BĐS cao cấp cần có độ trễ, chưa thể bật tăng trong quý 4/2021 do tình hình dịch bệnh, du lịch toàn cầu chưa ổn định.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM vá các tỉnh lân cận cũng đang chọn phương án thận trọng để chờ thời điểm thị trường phục hồi mới nhập cuộc. Một số ít doanh nghiệp vẫn đang chuẩn bị giải pháp sống chung với dịch bệnh bằng cách chuyển hướng bán hàng online. Thậm chí sau khi dịch bệnh được kiểm soát, TP.HCM vẫn khan hiếm nguồn cung vì chưa khơi thông được các vướng mắc pháp lý. Nhiều khả năng các thị trường vùng ven, giáp ranh Sài Gòn như Bình Dương, Long An, Đồng Nai có hàng hóa dồi dào hơn sẽ độc chiếm thị phầnBĐS liền thổ đầy đủ pháp lý.
(Nguồn: ThanhNienViet)
- Tin tức khác