- Tin Thị Trường
Nhà đầu tư BĐS kiên nhẫn chờ cuối năm bắt đáy thị trường
Cập Nhật: 7/8/2021 | 4:16:59 PM
Thị trường “ngủ đông” trong thời điểm giãn cách xã hội kéo dài, nhiều nhà đầu tư găm tài chính quá đà vào nhà đất đang hoang mang còn người rủng rỉnh tiền thì chờ thời để thâu tóm "mồi ngon".
Người mua BĐS đang giữ tâm lý thong dong chờ giá BĐS giảm sâu để nhảy vào bắt đáy. Ảnh minh họa
Đã ở yên trong nhà gần 2 tháng nay nhưng anh P.Q. Sáng (phường 12, Tân Bình) vẫn thường xuyên cập nhật tình hình giao dịch, mua bán nhà đất thông qua các kênh online và môi giới thân quen. Anh Sáng cho biết khoảng 2 tuần nay sale giới thiệu được cho anh một sản phẩm nhà đất, cả căn hộ, đất nền và nhà phố đang cần bán nhanh với giá rất tốt nhưng anh vẫn đang cân nhắc chờ đợi thêm xem các tháng tới giá có tiếp tục chạm đáy không.
Theo anh Sáng, hiện nay nhu cầu bán BĐS dù có nhưng chưa nhiều, giá cũng chỉ giảm nhẹ chứ chưa đáng là bao. Nhất là ở các điểm “nóng” nhà đất, giá vẫn chưa về mức mong muốn nên đa số nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý quan sát thị trường. Nếu các tháng tới tình hình dịch bệnh không chuyển biến tốt, thị trường không thể mở cửa trở lại thì nhu cầu bán ra sẽ cao hơn rất nhiều nhu cầu mua vào. Thời điểm đó giá nhà đất có khả năng giảm mạnh và cơ hội bắt đáy cho nhà đầu tư có rủng rỉnh tiền.
Một nhà đầu tư BĐS lâu năm tại khu vực quận 3, TP.HCM cũng chia sẻ, dù hiện tại có khá nhiều đơn hàng cần bán đất được giới thiệu đến nhưng ông vẫn đang cân nhắc và chờ xem diễn biến của thị trường trong tháng 8 này mới quyết định sẽ mua gì và mua ở đâu. Hiện nay phần lớn thông tin môi giới gửi cho ông là dạng căn hộ cao cấp và đất nền vùng ven bán cắt lỗ, trong khi sản phẩm ông muốn mua là nhà riêng khu vực nội thành hay đất nền sổ đỏ quanh TP.HCM thì giá không thấy giảm nhiều. Nhà đầu tư này cho biết ông sẽ tiếp tục đợi thêm, khi nào đất nền giảm tầm 15-20% và nhà phố giảm mạnh thì sẽ mua vào.
Trái ngược với tâm lý thong thả quan sát thị trường của người mua, anh P.T. Hiếu (Bình Trị Đông A, Bình Tân), nhà đầu tư đang có nhu cầu bán ra thì thấp thỏm hơn nhiều. Được biết anh Hiếu đang đầu tư cùng lúc 2 căn hộ tại một dự án chung cư trên khu vực TP. Thủ Đức và cũng đang tính đường bán ra. Do vẫn chưa đến mức không xoay xở được nên anh Hiếu chưa tính chuyện cắt lỗ nhưng nếu tình hình thị trường ảm đạm kéo dài đến năm sau thì anh không chắc mình có thể kiên trì giữ hàng thêm được.
Anh Hiếu cho rằng, nhiều nhà đầu tư đều tin tưởng thị trường BĐS sẽ bật lại mạnh mẽ sau dịch nên hầu như vẫn giữ tâm lý không muốn bán ra. Dịch bệnh đang tác động đến kinh tế nhiều người nhưng do dân đầu tư lâu năm phần nhiều đã có sự chuẩn bị, chưa đến đường cùng thì việc bán cắt lỗ giảm giá nhà đất sẽ không xuất hiện rầm rộ. Tuy nhiên anh Hiếu cũng thừa nhận nếu tình hình kéo dài, khó khăn không giải quyết được thì "nhịn đau cắt lỗ" có thể sẽ xuất hiện nhiều trên thị trường trong tháng cuối năm hoặc đầu năm 2022.
Theo ông Trương Khánh Tâm, chuyên viên phân tích thị trường bds Phú Quốc, nhiều nhà đầu tư trên thị trường hiện nay đang giữ tâm lý chờ thời, canh BĐS giảm giá để mua vào. Bởi phần đông các nhà đầu tư tin rằng thị trường sẽ bật lên mạnh mẽ sau dịch. Tuy nhiên cũng chính tâm lý này mà khá nhiều nhà đầu tư vẫn tiếc khoản đầu tư của mình, quyết cầm cự không vội vàng xả hàng dù đã chuẩn bị tâm lý là thị trường sẽ còn ảm đạm trong ít nhất 1-2 tháng tới.
Khó khăn của thị trường BĐS được dự báo có thể kéo dài đến quý 1/2022. Ảnh: Hoàng Thắng
Theo ông Tuấn, nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối năm thì nhiều nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn, sóng cắt lỗ có thể sẽ mạnh hơn so với lúc này. Do đó, quý 4 được dự báo sẽ là thời điểm dân đầu tư BĐS đẩy mạnh việc mua vào, thị trường sẽ xuất hiện những BĐS có giá giảm sâu tầm 10-20% do nhiều nhà đầu tư bắt đầu xả lỗ. Tuy nhiên, trước diễn biến dịch bệnh có thể dai dẳng, bản thân người đi mua BĐS cũng cần cẩn trọng trong quyết định mua các giao dịch cắt lỗ. Chỉ nên thực hiện các giao dịch rõ ràng về pháp lý và giá cạnh tranh, không nên mua theo phong trào.
Cũng chia sẻ về xu hướng thị trường, chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho hay, với tình hình dịch như hiện nay, có thể đến quý 1 hoặc quý 2/2022 thị trường mới ổn định lại. Nhà đầu tư không dùng vốn vay thì yên tâm ngủ ngon vì sau dịch thị trường sẽ có khả năng phục hồi và tăng trưởng. Còn nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính và khả năng nắm giữ dưới 3-6 tháng phải tính đến chuyện cơ cấu lại tài chính và không loại trừ khả năng nên mạnh dạn bán đi để tìm cơ hội khác sau khoảng 6-12 tháng nữa.
“Có rất nhiều nhóm đầu tư đang nắm giữ quỹ tiền mặt rất lớn để chờ cơ hội thâu tóm, sáp nhập hoặc là mua rẻ tài sản, trong đó có BĐS. Thời gian tới dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát, khi đó BĐS sẽ là kênh phục hồi nhanh do nhu cầu lớn. Nếu có nguồn tài chính ổn định thì nên cân nhắc việc tìm mua các BĐS rõ ràng pháp lý với giá cạnh tranh”, ông Chánh chia sẻ.
(Nguồn: ThanhNienViet)
- Tin tức khác