- Tin Thị Trường
Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc: 'Cần xây dựng cơ chế xác định giá đất'
Cập Nhật: 9/10/2021 | 12:06:05 PM
Theo Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, giá đất khi Nhà nước thu hồi đang thấp hơn so với thị trường nên cần xây dựng cơ chế xác định giá đất.
Đề xuất này được Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu đưa ra tại hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, ngày 8/10.
Ông Châu đánh giá, nhiều quy định của Luật Đất đai 2013 chưa tương thích, đồng bộ với quy định của luật khác. Một số văn bản chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân trục lợi. Theo thống kê thì gần 70% đơn khiếu nại, tố cáo là liên quan tới lĩnh vực đất đai.
Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cho rằng, đất đai là tài nguyên vô cùng quan trọng và hết sức đặc biệt. Quản lý tài nguyên đất đai tốt đồng nghĩa với việc tạo ra nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Do đó, khi xây dựng pháp luật về đất đai cần xác định đây vừa là tài sản, vừa là tài nguyên đặc biệt quan trọng để bảo vệ, quản lý, giữ gìn tài sản bền vững...
Luật Đất đai 2013 chưa có quy định cụ thể, rõ ràng và một cơ chế pháp lý hữu hiệu để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai nên chưa thu hút được người dân và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Giá thành và năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng còn thấp so với các lĩnh vực khác. Vì vậy, ông kiến nghị cần nghiên cứu, thiết kế cơ chế pháp lý đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả để tích tụ, tập trung đất đai hiệu quả.
"Giá đất khi Nhà nước thu hồi còn một số bất cập, nhất là cơ chế xác định chưa hợp lý dẫn đến giá thường thấp hơn so với thị trường", ông nói. Theo ông, đây là một trong những nguyên nhân gây ra khiếu nại trong quản lý đất đai, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Do đó, cần xây dựng cơ chế xác định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường, trong đó cần đảm bảo người dân được tham gia sâu, rộng và đủ tính đại diện trong tham vấn ý kiến về giá đất.
"Tôi cảm nhận chính quyền hiện nay như mấy anh quan tòa. Tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh nhưng phải tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đất đai mất 50% thời gian. Thế thời gian còn đâu mà nghĩ ra, điều hành cái khác", ông nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu. Ảnh: Hoàng Phong
PGS Nguyễn Quang Tuyến, Giảng viên Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc sửa luật lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu. Đặc biệt, hiện nay tiêu cực liên quan đến đất công, đất giao cho các doanh nghiệp, các tổ chức của Nhà nước sử dụng rất lãng phí.
"Nhiều doanh nghiệp Nhà nước thậm chí còn chia cho các cá nhân sử dụng; nhiều vị trí đất vàng bị chiếm dụng... Việc chuyển nhượng, tham nhũng tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này", ông nói và cho rằng vừa qua, những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong vụ án Vũ Nhôm, liên quan đến Bình Dương, Khánh Hoà đều xảy ra liên quan đến đất công.
Do đó, ông đề nghị cần thể chế hoá vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất. Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền ban hành ra khung giá đất bồi thường, giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi".
"Đất đai là nguồn lực của quốc gia nhưng đang bị xâu xé bởi các lợi ích nhóm", ông nói, đồng thời đề nghị làm rõ việc kiểm soát quyền sở hữu toàn dân là thế nào. Bởi ở nước ta có hơn 2 vạn quyền sở hữu, nhiều doanh nghiệp cũng đang chăm chăm vào nguồn lực đất đai của quốc gia, làm xuất hiện tình trạng thu hồi đất ruộng của người dân, chuyển mục đích sử dụng rồi mang đi phân lô, bán nền, lấy chênh lệch chia nhau.
Từ thực trạng này, ông đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải lấy ý kiến của người dân nằm trong khu vực chịu tác động của quy hoạch.
Chung ý kiến, GS Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng nhấn mạnh, cần cụ thể hóa Luật đất đai và nhấn mạnh vai trò chủ thể của nhân dân, lấy dân là trung tâm để làm rõ vai trò chủ sở hữu toàn dân.
Theo ông Vinh, vấn đề quy hoạch đất đai hiện nay rất tùy tiện, thay đổi liên tục. Thay đổi ở đây không phải dân thay đổi mà là doanh nghiệp thay đổi, nhóm lợi ích thay đổi. "Tham nhũng trong đất đai là trầm trọng, nghiêm trọng và kinh khủng nhất, đáng sợ nhất", ông nói.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tháng 5/2022 và lần 2 vào kỳ họp tháng 10/2022.
Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi./.
(Nguồn: Sưu Tầm)
- Tin tức khác