Google Console: Google ads: Google Tag Manager: Google Analytics
  • Tin Tức Phú Quốc
    • Quy hoạch
    • Bản Đồ Quy Hoạch
    • Tin Quy Hoạch
    • Tin tức
    • Tư vấn Luật Đất Đai
    • Tin Thị Trường
    • Tin Tức Phú Quốc
    • Kinh Nghiệm - Kiến Thức
    • Du Lịch Giải Trí

Phú Quốc: "Nhộn nhịp" phát triển theo cách của riêng mình

Cập Nhật: 24/6/2021 | 11:42:09 AM

Để Phú Quốc cất cánh trở thành một Monaco, một Singapore mới,... như lộ trình đã vạch ra, chắc chắn cần nhiều hơn là những chuyến bay đầy ắp khách đến, khách đi.

Chợ đêm Dương Đông tối 9/1/2021 - một ngày sau đêm hội chào mừng đảo Ngọc trở thành Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, du khách thăm thú, mua bán đông như trảy hội.

Chúng tôi phải chờ khá lâu để bắt chuyến taxi gần 500.000 đồng tiền cước từ Premier Village Phu Quoc Resort, khu nghỉ dưỡng đẹp mê hồn của Sun Group tại Nam đảo lên Dương Đông ngó nghiêng, thăm thú. Thành - cậu tài xế taxi gốc Rạch Giá - lắc đầu khi nghe tôi bảo “nếu ít khách có thể chờ vài mươi phút, bọn anh vào chợ tham quan chút rồi lại đi”.

“Dạ, không được đâu anh, dịp này khách gọi xe đều lắm nên em phải chạy ngay”.

“Chắc có lễ hội nên khách khứa đột biến, chứ dân mình còn ngại đi du lịch mà”. Nghe thắc mắc của tôi, Thành cười: “Không phải đâu anh ơi, trừ mấy tháng giãn cách, chứ từ tháng 6, tháng 7 trở lại đây, bọn em ai khỏe có thể bắt khách cả ngày đêm”...

Sự bán tin bán nghi của tôi đã được giải tỏa sau khi ông Vũ Nam Khánh - Phó trưởng Ban chiến lược, Vietnam Airlines cho biết rằng, từ tháng 6 đến nay, đường bay Phú Quốc luôn nhộn nhịp.

“Có những ngày Phú Quốc đón tới 56 chuyến bay, tương đương đường bay vàng Hà Nội - TP.HCM”, ông Khánh thông tin.

Sân bay Phú Quốc vốn là cảng hàng không đạt tiêu chuẩn cấp 4E của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), thuộc tốp đầu trong các sân bay Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Lưu Trung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang tiết lộ rằng, nó đang được chuẩn bị để nâng cấp, mở rộng công suất từ 4 triệu khách hiện tại lên 10 triệu khách/năm vào năm 2030 do nhu cầu đi lại đến Phú Quốc tăng rất nhanh.

>>> Có thể bạn quan tâm: Phát triển thành phố biển đảo Phú Quốc: Du lịch là ngành chủ lực

Còn theo lời ông Khánh, tiềm năng cực lớn của Phú Quốc đang củng cố thêm quyết tâm của Vietnam Airline “vun vén ở đây một tổ đại bàng nho nhỏ cho riêng mình”.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy ngay rằng đó là lời chia sẻ khiêm tốn, vì nói như PGS-TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Phú Quốc đặc biệt ngay từ cái tên đảo Ngọc, mà đã là viên ngọc thì làm gì, ứng xử điều gì với nó cũng cần sự trân trọng, nâng niu, thậm chí cần những bàn tay tài hoa để “ngọc càng mài càng sáng”.

Thực tế, Vietnam Airline có tham vọng muốn xây dựng ở Phú Quốc một “căn cứ hàng không lớn”, một điểm trung chuyển hành khách quốc tế bởi vị trí kết nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương rất thuận lợi của hòn đảo này.

Không chỉ đặc biệt khi trở thành Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam bằng quyết định mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dường như trong năm Covid vừa qua, Phú Quốc còn là một hòn đảo may mắn.

Nỗ lực phòng chống Covid-19 của chính quyền và người dân nơi đây là rất đáng ghi nhận, nhưng trong bối cảnh dòng khách du lịch cả nước vẫn ùn ùn kéo đến ngay sau khi hết giãn cách xã hội mà cho đến giờ Phú Quốc vẫn “sạch bóng” Covid thì đó quả là một kỳ tích may mắn.

Những ngày này, tại hệ sinh thái nghỉ dưỡng Sun Group với những cái tên như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Premier Village Phu Quoc Resort, Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay hay “Thành phố không ngủ” Grand World Phú Quốc của Vingroup… tấp nập khách vào ra.

Và không chỉ dịp lễ hội này, cuối tháng 12/2020, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Lê Thị Hải Châu, Tổng giám đốc điều hành Movenpick Resort Waverly Phú Quốc - một dự án resort tuyệt đẹp khác ở bãi Ông Lang - cho biết rằng, khu nghỉ dưỡng do MIK Group phát triển và Accor Hotels vận hành này mới khai trương trong “âm thầm” kể từ tháng 2/2020 do “dính” vào cao điểm Covid. Thế nhưng, như được hưởng “lộc” may mắn của Phú Quốc mà Movenpick Resort Waverly Phú Quốc rất mát tay đón khách từ đó đến nay.

“Bắt đầu từ tháng 7/2020, khi Covid-19 đợt 1 tạm lui, resort luôn lấp đầy 75 - 80% số phòng, nhiều ngày nhân viên lễ tân phải ngậm ngùi từ chối du khách vì kín chỗ”, bà Châu cho biết.

Những bác taxi đều khách, những bà bán hàng rong bán hết hàng, các khu nghỉ dưỡng 5 sao tuyệt đẹp vẫn ấm hơi người…, Phú Quốc “may mắn” bắt đầu cuộc sống bình thường mới từ rất sớm.

Sự may mắn của Phú Quốc còn đến ngay từ việc tưởng như không may, điều mà PGS-TS. Trần Đình Thiên gọi là “hòn đảo này đã bị chậm một nhịp quan trọng trong nỗ lực trở thành Trung tâm phát triển đẳng cấp cao khi không được chấp nhận quy chế Đặc khu hành chính - kinh tế”, bởi khi đó nếu là Đặc khu, rất có thể Phú Quốc sẽ chỉ là “một trong số các đặc khu”. Còn hiện tại, không địa danh nào có thể chiếm ngôi vị “Thành phố đảo đầu tiên tại Việt Nam” của Phú Quốc và điều này tạo nền tảng thể chế quan trọng cho đảo Ngọc cất cánh.

Nhưng vấn đề là lựa chọn mô hình phát triển nào cho Phú Quốc cất cánh?

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và Cộng sự, người không chỉ là chuyên gia quy hoạch Phú Quốc mà còn rất yêu hòn đảo này cho rằng, Phú Quốc không chỉ đơn thuần là thành phố du lịch, mà phải là thành phố đa năng.

Khái niệm “thành phố nén” được ông Trị đưa ra để minh họa cho một đô thị đảo có vị thế cực kỳ thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế - thành phố cảng - thành phố lễ hội hoạt động 24/7.

So sánh Phú Quốc với diện tích 589 km2, dân số 0,178 triệu người và lượng du khách 5,1 triệu lượt (2019) với Phuket (Thái Lan) diện tích 576 km2, dân số 0,39 triệu người và du khách 9 triệu lượt và quốc gia biển đảo Singapore diện tích 728 km2, dân số 5,6 triệu người và du khách 16,73 triệu lượt, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị cho rằng, “chỉ cần xác định đúng các bộ chỉ tiêu phát triển từng lĩnh vực kinh tế - du lịch - cảng biển - lễ hội - văn hóa của thành phố nén là Phú Quốc sớm vượt lên các đô thị biển nói trên vì lợi thế so sánh rất lớn”.

“Chẳng hạn, Nam đảo sẽ phát triển theo mô hình thành phố cảng, lấy Cảng hàng hóa quốc tế An Thới làm động lực phát triển kinh tế; tạo các khu vực tự do thương mại quốc tế, phi thuế quan…”, ông Trị tư vấn và phân tích thêm rằng, các hòn đảo nhỏ ở Phú Quốc rất có lợi thế để tạo lập chuỗi resort nghỉ dưỡng siêu sang, chẳng hạn đảo Hòn Thơm với định vị trở thành một thương hiệu đảo tỷ phú dành cho giới siêu giàu.

“Các dòng hải lưu ở Phú Quốc phù hợp cho tàu thuyền lớn ra vào, vị trí của Phú Quốc rất thuận lợi cho hội ngộ Đông - Tây, nhưng cần sớm tính đến những hạ tầng rất cụ thể như kết nối 5G, tăng hồ chứa nước ngọt, sử dụng công nghệ xanh trong xử lý rác thải, nước thải…”, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị khuyến cáo.

Trong khi đó, từ góc nhìn của một doanh nghiệp đầu tư đất đai tại Phú Quốc, ông Phạm Quốc Quân, Chủ tịch Sun Group vùng miền Nam nhấn mạnh vấn đề quy hoạch đô thị và quy hoạch mạng lưới hệ thống dịch vụ đa dạng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải trí, mua sắm ngày càng cao của du khách. Chuỗi dịch vụ này là vô cùng cần thiết, có vai trò quyết định tới việc tăng thời gian lưu trú, mức chi tiêu của khách du lịch.

Thực tế, mối quan tâm của kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị liên quan đến câu chuyện xử lý rác thải, nước thải, cũng là mối lo lắng thường trực của những người muốn phát triển Phú Quốc thành Thành phố xanh, khi có ít nhất 5 ý kiến từ các doanh nghiệp đề cập với phóng viên mối lo ngại này. Chưa hết, vài lần đến Phú Quốc gần đây, mỗi sáng sớm, người viết xỏ giày chạy ra bãi biển để ngắm bình minh, nhưng đôi khi lại bắt gặp mùi rác thải phảng phất theo gió đưa về.

Bãi chôn rác này trước đây nằm sát bờ biển, nay được dời về sâu hơn ở phía đất liền, nhưng che chắn kiểu nào vẫn không hết mùi, nhất là khi các xe đổ rác tập kết mỗi sáng và theo một nhà quan sát hiểu chuyện, “trước đây cũng có một số đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác nhưng không thành vì… lượng rác ở Phú Quốc không đủ để vận hành nhà máy”?

Câu chuyện cần sớm có các quy hoạch rõ ràng từng phân khu chức năng của Phú Quốc cũng được nhiều người đặt ra, bởi đó sẽ là “hàng rào kỹ thuật” để ngăn chặn các hành vi thổi giá bất động sản, lấn chiếm, xây dựng trái phép… đang manh nha trở lại khi Phú Quốc lên thành phố.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, Phú Quốc từng có bài học đắt giá trong cơn sốt đất 2015-2016 khi đầu tư không theo quy hoạch. Tuy nhiên, như rỉ tai của một nhà đầu tư cá mập với phóng viên mới đây rằng, nhiều người đang nhòm ngó, mua bằng mọi giá các lô đất rừng ở Phú Quốc với kỳ vọng khi hòn đảo này lên Thành phố, quỹ đất đô thị sẽ nở ra và “sẽ dễ có cơ xin chuyển đổi từ đất lâm nghiệp thành đất ở”!?

Đó là những “chuyện nhỏ” mà chính quyền Thành phố Phú Quốc cần sớm “để mắt”.

Đến tháng 9/2020, Phú Quốc đã thu hút 276 dự án du lịch, trên diện tích gần 10.000 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 347.000 tỷ đồng và theo nhận định của PGS-TS. Trần Đình Thiên, hiếm có địa phương nào có năng lực thu hút đầu tư lớn như vậy.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, muốn phát triển Phú Quốc theo hướng đột phá, đây sẽ phải là nơi thí điểm những chính sách đột phá, bởi “không nên bắt Phú Quốc phải mặc ‘đồng phục’ về cơ chế, chính sách giống các địa phương khác trong cả nước”.

Không giống bất cứ địa chỉ đô thị hóa nào, Phú Quốc không đi theo lộ trình đô thị hóa tuần tự mà được “đặc cách” vượt cấp - nhảy vọt: Từ huyện đảo với đô thị cấp thị trấn “tiến thẳng” lên đô thị loại 2 (năm 2014) và vừa mới đây, tháng 12/2020, được công nhận là Thành phố trực thuộc tỉnh.

“Thực ra, việc vượt qua logic tuần tự trong quy trình công nhận ‘chức danh đô thị hóa’ đối với Phú Quốc không phải là một sự kiện gây 'sốc'. Phú Quốc đã tạo đủ, thậm chí vượt trước về thời gian, các điều kiện để đạt chuẩn đô thị cấp 2”, ông Thiên nói, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, dù đã lôi kéo được nhiều tập đoàn có tư chất “đại bàng”, Phú Quốc vẫn cần nhiều sự hỗ trợ để chuyển hóa được lợi thế tự nhiên và sức mạnh đầu tư thành lợi ích phát triển thực tế.

Nhấn mạnh không gian, hạ tầng đô thị du lịch biển đảo hiện đại đã định hình và phát triển mạnh mẽ ở Phú Quốc, PGS-TS. Trần Đình Thiên nêu ví dụ về cụm đô thị phía Nam đảo gắn với hàng loạt công trình lộng lẫy và bề thế của Sun Group. Sự có mặt của những “đại bàng nội” như Sun Group, Vingroup… với những cam kết đầu tư và phát triển dài hạn, hướng tới đẳng cấp cao nhất, là điều kiện nền tảng, tạo động lực thúc đẩy Phú Quốc phát triển vượt trội trong giai đoạn tới. Chưa kể, theo một số nhà quan sát, với vị trí huyết mạch của Phú Quốc, việc ưu tiên “làm tổ” cho các chú đại bàng nội địa còn là cách để yên lòng người dân.

>>> Tìm đọc ngay: Hệ sinh thái Sun Group tạo bệ phóng cho bất động sản Nam Phú Quốc

“Dịch bệnh Covid-19 cho thấy việc lôi kéo quá nhiều du khách chưa chắc đã ‘ăn to’, mà cần lựa chọn phân khúc khách hàng xứng với đẳng cấp của Phú Quốc vì bản thân Phú Quốc đã quá đẹp, giờ chỉ cần những công trình đúng tầm. Vần đề là ai sẽ làm các công trình này?”, ông Thiên đặt câu hỏi và khẳng định, đó phải là những “con đại bàng” quốc tịch Việt.

“Đó là điều tôi hiểu ra gần đây và đã có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ với vai trò thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng rằng, không có gì tốt cho kinh tế đất nước bằng việc có ngày càng nhiều hơn các tập đoàn kinh tế tư nhân nội địa mạnh như Vingroup, Sun Group…”.

Theo ông Thiên, để đón những con đại bàng nội địa đến Phú Quốc làm tổ và sinh sôi nảy nở, cần một chính quyền thành phố đảo đủ quyền lực và áp dụng những cơ chế thí điểm đột phá nhất, chứ không phải là những ưu tiên, ưu đãi thông thường.

“Những con đại bàng cần bầu trời trong lành và đủ rộng để sải cánh bay”, ông Thiên ví von.

(Nguồn: Sưu Tầm)

Bình luận
  • Quảng cáo phải tin tức
Thiết kế © 2021 bdsphuquoc.net.vn
0902266769
Google Ads: Google Tag Manager: