Google Console: Google ads: Google Tag Manager: Google Analytics
  • Tin Thị Trường
    • Quy hoạch
    • Bản Đồ Quy Hoạch
    • Tin Quy Hoạch
    • Tin tức
    • Tư vấn Luật Đất Đai
    • Tin Thị Trường
    • Tin Tức Phú Quốc
    • Kinh Nghiệm - Kiến Thức
    • Du Lịch Giải Trí

Thị trường bất động sản chờ cú hồi sau dịch

Cập Nhật: 23/6/2021 | 3:16:54 PM

Sau ba đợt bùng phát dịch trước đó, thị trường bất động sản đều hồi phục mạnh mẽ, cho nên kỳ vọng “lịch sử sẽ lặp lại” sau làn sóng Covid thứ 4 này, khi mà thị trường có nhiều yếu tố hỗ trợ hơn.

Cuộc sống người dân trở lại bình thường thì sẽ kích thích nhu cầu mua nhà tăng mạnh. 

Khoảng lặng cần thiết

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp địa ốc, đợt bùng phát dịch lần này gây ảnh hưởng nặng nề nhất không chỉ bởi tính chất phức tạp của các ổ dịch, sự dễ lây nhiễm của các biến chủng vi-rút, mà còn do nguồn lực của doanh nghiệp đã bị “vắt kiệt” sau những đợt dịch trước đó.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, thị trường bất động sản đang đứng trước “khoảng lặng” khi thanh khoản gần như ngưng trệ, hoạt động kinh doanh, đầu tư, xây dựng diễn ra cầm chừng…

“Để phòng chống dịch, Vạn Phúc chỉ duy trì 1/3 nhân sự làm việc thường xuyên, 2/3 nhân sự làm việc online, các hoạt động kinh doanh mua bán cũng tạm thời ngưng lại”, bà Hương nói.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, không chỉ tại TP.HCM, các thị trường lân cận cũng đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM chia sẻ, doanh nghiệp ông đầu tư một dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đầu tháng 5/2021 triển khai bán hàng và hầu hết sản phẩm đã được khách hàng đăng ký mua.

Theo kế hoạch, đầu tháng 6 này sẽ công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, nhưng dịch bùng phát trở lại nên công tác này chưa thể thực hiện khi Bà Rịa - Vũng Tàu có quy định người đến từ TP.HCM phải cách ly.

“Đành rằng dịch bệnh là yếu tố khách quan, không ai lường trước được, nhưng doanh nghiệp vẫn như ngồi trên lửa bởi chưa biết đến khi nào việc giãn cách xã hội mới kết thúc, đó là chưa kể diễn biến phức tạp của dịch bệnh còn ảnh hưởng tới tâm lý khách hàng, e rằng nhiều người sẽ thay đổi quyết định đầu tư”, vị tổng giám đốc này lo lắng.

Theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Asia New Time, những khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay đã bào mòn “sức đề kháng” của các doanh nghiệp địa ốc và việc đợt dịch nọ nối tiếp đợt dịch kia khiến nhiều chủ đầu tư trở tay không kịp “vì thời gian quá ngắn ngủi để đưa sản phẩm ra thị trường, trong dòng tiền rẻ chủ yếu tập trung vào mua đất nền, đất đồi, đất rẫy…”, ông Tiến nói.

Nhu cầu tích lũy tài sản của người Việt rất cao và bất động sản được ưu tiên hàng đầu.

Chờ bật dậy

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố để hy vọng khi nhìn lại thị trường bất động sản từ đầu năm 2020 đến nay, dù trải qua nhiều đợt dịch, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nền tảng vững chắc, tình trạng giảm giá, bán tháo không những không diễn ra, mà ngược lại, cứ sau mỗi lần dịch bùng phát, sự hồi phục của thị trường còn trở nên mạnh mẽ hơn, cả hoạt động giao dịch lẫn giá cả đều tăng cao.

Vì vậy, nhiều thành viên thị trường cho rằng, “khoảng lặng” hiện tại là cơ hội để thị trường “lấy đà” bật dậy sau dịch. Thêm vào đó, Việt Nam có kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh và Chính phủ cũng đang nỗ lực nhập khẩu vắc-xin để tiêm ngừa cho toàn dân.

Ông Hoàng Kim Hoài, Tổng giám đốc Phúc Điền Land nhận định, dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của người dân, nhà đầu tư, nhưng nhu cầu về nhà ở trên thực tế không những không giảm, mà còn tăng lên. Do vậy, chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống người dân trở lại bình thường thì sẽ kích thích nhu cầu mua nhà tăng mạnh.

“Bùng nổ hay không còn khó nói, nhưng khi dịch bệnh được kiểm soát chắc chắn sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản”, ông Hoài nhấn mạnh.

Theo ông Hoài, ngoài nhu cầu không ngừng tăng cao, yếu tố tác động mạnh đến thị trường bất động sản thời gian tới là tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, sự phát triển của hệ thống hạ tầng kết nối liên vùng diễn ra mạnh mẽ.

“Có thể thấy, chưa khi nào chính sách phát triển hạ tầng khu vực phía Nam được đẩy mạnh như hiện nay. Hàng loạt tuyến đường, cầu cống, sân bay… được đầu tư xây dựng không chỉ giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách về không gian, thời gian giữa các vùng miền, mà còn đóng vai trò cú huých, đánh thức cả một vùng đất, khởi tạo làn sóng đầu tư mới vào các địa phương, trong đó có thị trường bất động sản”, ông Hoài nói và cho rằng, sự phát triển mạnh của hạ tầng đã kéo theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào các đại dự án du lịch, các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, thu hút hàng triệu lao động, dẫn đến nhu cầu về nhà ở cũng sẽ tăng cao.

Bên cạnh đó, không chỉ nhu cầu để ở mà nhu cầu đầu tư, tích lũy tài sản cũng tăng mạnh. Thực tế, nhu cầu tích lũy tài sản của người Việt rất cao, trong đó bất động sản được ưu tiên hàng đầu, cho nên vấn đề chỉ là có sản phẩm phù hợp.

Mặt khác, dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhưng trên thị trường vẫn đang hình thành những “cơn sóng ngầm” săn quỹ đất, đặc biệt tại những địa phương đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, hay “đón đầu” chính sách phát triển hạ tầng giao thông với dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại Bình Thuận…, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản vẫn rất lớn.

>>> Dù dịch bệnh, vì sao BĐS Việt Nam vẫn hút nhà đầu tư nước ngoài?

Ở một góc độ khác, theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, rào cản lớn nhất hiện nay là dịch bệnh và thủ tục pháp lý, nếu những rào cản này được khắc phục thì thị trường bất động sản sẽ có nhiều cơ hội để bùng nổ.

“Thực tế, giá bất động sản thời gian qua tăng liên tục, nhưng không hề tăng ảo. Về phía các chủ đầu tư, giá bán bất động sản phụ thuộc vào giá thành đầu vào, chứ không thể tùy ý thích tăng là tăng, giảm là giảm”, ông Phúc nói và cho rằng, có 4 yếu tố đầu vào cấu thành nên giá bán bất động sản, bao gồm quỹ đất, chi phí xây dựng, chi phí tài chính và lợi nhuận kỳ vọng của chủ đầu tư.

Theo chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp, về lâu dài, thị trường bất động sản còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn, phải gồng mình chống đỡ, nên cần động thái hỗ trợ cụ thể hơn của Nhà nước như tiếp tục giảm, giãn thuế, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về thủ tục pháp lý dự án…

(Nguồn: Sưu Tầm)

Bình luận
  • Quảng cáo phải tin tức
Thiết kế © 2021 bdsphuquoc.net.vn
0902266769
Google Ads: Google Tag Manager: