- Tin Thị Trường
Trao cơ chế đặc thù chuyển đất rừng cho một số địa phương: Cần xem xét kỹ
Cập Nhật: 23/10/2021 | 8:52:44 AM
Đối với nội dung trao thẩm quyền quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ 50 ha đến dưới 500 ha cho địa phương, một số đại biểu cho rằng phải cân nhắc một cách thận trọng.
Trao cơ chế đặc thù trong quản lý đất đai, cần xem xét kỹ
Chính phủ vừa trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, Thừa Thiên Huế, Nghệ An 6 cơ chế chính sách và Thanh Hóa là 8.
Trong số các cơ chế chính sách đặc thù được đề xuất, có vấn đề về quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng.
Cụ thể theo dự thảo, đối với tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn với quy mô trên 50 ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô trên 500 ha. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu thảo luận (Ảnh: Quốc hội).
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản này thực hiện theo trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật đất đai.
Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Còn đối với thành phố Hải Phòng, dự thảo nêu rõ: Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thực hiện theo trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai.
"Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai", dự thảo nêu.
Nội dung này nhận được quan tâm, góp ý từ phía nhiều đại biểu. Theo đó một số đại biểu cho rằng nhất trí với việc tạo cơ chế chính sách cho các địa phương nêu trên phát triển, song cần xem xét thêm nội dung quản lý đất đai.
Cụ thể, đại biểu Đặng Ngọc Huy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi trích dẫn khoản 1 điều 58 Luật Đất đai năm 2013, trong đó chỉ quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, không nói đến số vụ. Đại biểu cho rằng cần cân nhắc khi trong Nghị quyết này lại quy định bó hẹp lại là giao cho HĐND thành phố quyết định diện tích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên.
Đại biểu Đặng Ngọc Huy cũng nhận định đang có sự khác biệt giữa Nghị quyết của Nghệ An, Thanh Hóa với TP Hải Phòng về quản lý đất đai của các địa phương này. Theo đó, Hải Phòng thì yêu cầu khi chuyển mục đích thì phải phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trong khi hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa thì chỉ cần HĐND xem xét quyết định.
"Nội dung này đề nghị cân nhắc, sửa đổi theo hướng để Nghị quyết đặc thù đối với Thanh Hóa, Nghệ An tương tự Hải Phòng, giao thẩm quyền cho HĐND nhưng chỉ được quyết định khi phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt", ông Huy nêu quan điểm.
Còn đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương thì cho rằng cần làm rõ thêm mục đích của việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trên địa bàn mỗi tỉnh để sau năm 2026 tiếp tục hoàn thiện và mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với một số lĩnh vực khác trên địa bàn mỗi tỉnh để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn sau.
Đại biểu Lương Văn Hùng nhận định một số quy định như "Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha" và "quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000 ha", thẩm quyền của HĐND tỉnh như trên là quá lớn so với pháp luật về đất đai hiện hành, đề nghị xem xét lại hạn mức, đồng thời cần quy định chặt chẽ việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra tính hiệu quả thiết thực, ổn định đời sống người dân.
Dự thảo Nghị quyết quy định "Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha...". Theo đại biểu, quy định nêu trên giống với nghị quyết về cơ chế đặc thù của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật đất đai hiện hành, thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 02 vụ trở lên với quy mô từ 10 ha đến dưới 500 ha và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thuộc về Thủ tướng Chính phủ.
"Do vậy, nếu quy định phân cấp, phân quyền cho HĐND thành phố Hải Phòng quyết định cần cân nhắc thêm. Nếu HĐND thành phố không có sự tính toán, khảo sát, thẩm tra kỹ các nội dung thuộc thẩm quyền, không thực hiện việc công khai, lấy ý kiến người dân thì việc quyết định trên sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực", đại biểu nêu vấn đề.
Diện tích trao quyền lớn, cần thấp hơn
Đại biểu Trần Đình Chung, đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Đà Nẵng phát biểu thảo luận (Ảnh: Quốc hội)
Liên quan đến công tác quản lý đất đai tại các địa phương, các đại biểu đoàn Đà Nẵng cho rằng việc phân cấp, Quốc hội trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trên cơ sở Chính phủ trình, từ đó giao cho HĐND các tỉnh, thành quyết định theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đối với nội dung trao thẩm quyền quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ 50 ha đến dưới 500 ha cho địa phương thì các đại biểu cho rằng phải cân nhắc một cách thận trọng.
Cụ thể theo đại biểu Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng, đối với Thanh Hóa, Nghệ An là các tỉnh duyên hải miền Trung thường xuyên bị tác động bão lũ thì việc giao quyết định chuyển đổi đất rừng đặc dụng cho địa phương có thể ảnh hưởng tới nhiều địa phương khác.
Đại tá Trần Đình Chung, Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng cũng đề cập tới việc chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ và đặc dụng, 50 ha là thuộc thẩm quyền địa phương, nội dung này phải có quy định thật cụ thể rõ ràng. Ông lo ngại nếu không có cơ chế kiểm soát thì dễ phát sinh vi phạm. Vì vậy cần phải cân nhắc, trao quyền nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ.
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Quảng, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đề nghị cân nhắc kỹ giao thẩm quyền chuyển đổi đất rừng phòng hộ rừng đặc dụng làm sao tránh lạm dụng quyền làm ảnh hưởng diện tích rừng. Việc phân cấp phân quyền, giao cho địa phương được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ từ 50 ha đến dưới 500 ha là rất lớn, giao thẩm quyền được nhưng diện tích nên cân nhắc, thấp xuống./.
(Nguồn: Theo Dân Trí)
- Tin tức khác